Tình trạng mua máy laptop mới mà không ưng là một vấn đề thường xuyên sảy ra do quá nóng lòng mua máy mới mà chưa tìm hiểu kỹ, hoặc thiếu kiến thức dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Hôm nay Laptop Bách Khoa sẽ hướng dẫn cho các bạn những thao tác cần làm khi chọn mua 1 chiếc laptop mới thực sự ưng ý
1.Tìm hiểu kỹ cấu hình của sản phẩm trên mạng trước khi đến xem máy
Các thông số cần quan tâm:
-Hãng sản xuất: Có rất nhiều những hãng sản xuất laptop mà chúng ta có thể lựa chọn như Dell, HP, Asus, Acer, Lenovo, MSI, Apple,…Mỗi nhà sản xuất có những thế mạnh riêng như Apple thiết kế tốt; Dell, HP được người ta nghĩ là bền do là hàng Mỹ; Asus, Acer giá thành rẻ, bảo hành lâu, Lenovo tạo cảm giác trải nghiệm tốt, MSI đặc biệt và ít đụng hàng. Họ đều sản xuất ra những chiếc laptop cái ổn cái chưa thực sự ổn chứ không phải cứ mặc định laptop hãng này là tốt. Lựa chọn ở đây chỉ là quan điểm cá nhân của mỗi người nhiều hơn, đơn giản vì mình thích!
-Bộ vi xử lý (chíp): hiện nay có 2 nhà sản xuất chip máy tính có thị phần lớn nhất là Intel và AMD. Giá bán của chiếc laptop thường sẽ đi đôi với bộ vi xử lý của nó, nên chọn những máy có cấu hình tối thiểu Intel Core i3 hoặc AMD Ryzen 3. Lựa chọn chip AMD hay Intel cũng là một đề tài được bàn tán rất nhiều nhưng Intel là một sự lựa chọn an toàn. Người dùng cơ bản nên chọn chip tiết kiệm điện có hậu tố U (VD: Intel core i5-10210U) hoặc dòng 10nm mới của Intel( VD: i5-1035G1), chơi game hay dùng phần mềm đồ hoạ nên chọn chip hiệu năng cao (hậu tố H) (VD: i5-10300H)
-Dung lượng Ram: đa số các máy mới hiện nay đều có dung lượng Ram 4GB đổ lên, với những người giải trí cơ bản nghe nhạc xem phim học tập nhẹ nhàng thì Ram 4GB là đủ. Xu hướng hiện nay là ram 8GB và nếu chỉ có 4GB thì hãy để ý máy mới phải có khe Ram trống để tiện nâng cấp sau này.
-Màn hình: điểm đầu tiên cần xem xét là kích thước màn hình, nó ảnh hưởng đến kích thước của toàn bộ máy, giá thành, kết cấu bàn phím. Máy nhỏ thì màn nhỏ, một màn hình lớn với kích thước 15.6 inch hay 17 inch sẽ cho trải nghiệm sử dụng tuyệt vời nhưng sẽ cồng kềnh hơn. Màn nhỏ dưới 14 inch tiện di chuyển nhưng mắt sẽ phải co dãn nhiều hơn. Một màn hình 14 inch hoặc 15.6 inch sẽ là một sự lựa chọn hợp lý. Những thông số khác như độ phân giải, màu sắc, khả năng chống chói, độ sáng sẽ được trình bày bên dưới.
-Card đồ hoạ ( rời hoặc onboard): Đa phần người dùng cơ bản nên sử dụng máy có card đồ hoạ tích hợp (on board) vì nó xử lý đồ hoạ khá ổn, mát máy hơn, tiết kiệm điện và bền hơn những chiếc laptop có thêm Card rời. Những người chơi game nặng hay dùng phần mềm đồ hoạ phải sử dụng máy card rời với 1 trong 2 thương hiệu nổi tiếng là Nvidia và AMD
-Loại ổ cứng, dung lượng ổ cứng: Ổ cứng tốt nhất hiện nay và đang dần được tích hợp hết lên các laptop là loại ổ cứng thể rắn SSD, vẫn có một vài sản phẩm chày cối đến từ HP hay Dell vẫn dùng ổ cứng HDD tốc độ chậm để tiết kiệm giá thành sản xuất. Cần chọn loại có SSD dung lượng tối thiểu 256GB. Có khe gắn thêm ổ cứng thì càng tốt, loại ổ cứng tốt nhất hiện nay là SSD M2 NVMe PCIe với tốc độ vượt trội, ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất xử lý của máy tính.
-Bàn phím: Có thiết kế bàn phím đầy đủ phím số để tiện cho việc nhập liệu hay không, có đèn bàn phím hay không
-Dung lượng pin (Wh, mAh): Các nhà sản xuất hay những đại lý bán lẻ thường chỉ để thông số kỹ thuật là số Cell pin như 3 cells hay 6 cells thay vì dung lượng được tính chính xác (Wh, mAh). Thông số hữu ích nhất ta nên quan tâm đến là dung lượng mAh, nên lựa chọn những chiếc laptop tối thiểu 3500mAh, giá trị càng cao càng tốt, số Cell từ 4 trở lên.
-Cổng kết nối: Các cổng kết nối thông dụng và bạn mong muốn có nó để phục vụ tốt nhu cầu sử dụng của mình, hãy chọn những chiếc laptop có đầy đủ cổng USB 3.0 với số lượng tối thiểu là 2, 1 cổng HDMI, 1 cổng USB Type-C truyền dữ liệu và có khả năng xuất hình, 1 jack tai nghe 3.5mm
-Chuẩn Wifi mà máy sử dụng: Các máy tính xách tay mới ra mắt ở thời điểm hiện nay thường sử dụng chuẩn Wifi ac hoặc Wifi 6(ax). Nên chọn chuẩn Wifi 6 vì nó tiên tiến và đảm bảo kết nối internet nhanh và ổn định hơn.
-Thời hạn bảo hành: một số hãng Dell, HP, Apple, MSI có thời hạn bảo hành đa số sản phẩm là 1 năm, nhóm Asus, Acer, Lenovo đa số là 2 năm. Bảo hành dài cũng là điểm cộng rất lớn để giảm thiểu rủi ro gặp phải.
2.Tới tận nơi và trải nghiệm test máy trực tiếp
Những điều cần lưu tâm:
-Hình thức, chất liệu sản phẩm: Hình thức đẹp là một tiêu chí rất quan trọng, Apple, Asus và Lenovo rất giỏi trong việc này. Chất liệu vỏ kim loại sẽ sang trọng hơn vỏ nhựa nhưng vỏ kim loại cũng có một số nhược điểm như dễ bị móp méo, dò điện(nhẹ), cảm giác nóng máy. Vỏ nhựa thì dễ vỡ, bám vân tay, cũ nhanh hơn nếu chất liệu kém. Cầm trên tay vỏ ọp ẹp thì không nên mua.
-Bản lề: Hãy thử gập mở máy lên xuống nhiều lần, nên chọn máy có bản lề mềm thay vì bản lề cứng, bản lề là một bộ phận rất dễ hỏng gãy do nó chuyển động hằng ngày khi ta gập mở máy. Đầu tiên là gập lên xuống sẽ dễ dàng hơn, thứ hai là bản lề mềm sẽ bền hơn, khi bị gãy hay bung sẽ rất bất tiện và mất thẩm mỹ.
-Trải nghiệm thực tế hiệu năng sản phẩm: Hãy sử dụng máy với các tác vụ hằng ngày của bạn và để ý tốc độ xử lý của máy có khiến bạn hài lòng hay không, hãy bật một video 4K trên Youtube và xem xét thật kỹ hình ảnh có thực sự mượt mà, bật Task manager lên và xem những gì đang diễn ra với máy tính bạn sắp mua. Thao tác này đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn nên cách tốt nhất vẫn chỉ cần dùng đúng theo nhu cầu hoặc cao hơn một chút mà mình đã đề ra khi mua máy.
-Độ mỏng nhẹ, kích thước của máy: Độ mỏng của máy cũng quyết định độ mạnh hay yếu của laptop. Cầm trên tay một chiếc laptop rất mỏng và nhẹ, tuy cấu hình cao Core i7 nhưng nhiều khả năng nó sẽ không hoạt động với hiệu suất cao nhất do giới hạn về mặt nhiệt độ mà các nhà sản xuất laptop đã tính toán, quá mỏng và khó tản nhiệt. Nó gọi là bóp hiệu năng khi máy quá nhiệt.
-Màu sắc, độ nét của màn hình: Màn hình có độ phân giải FullHD 1080P là một sự lựa chọn hợp lý vì nó đủ nét, màu sắc thì theo cảm nhận của mỗi người mà có những đánh giá khác nhau. Màn có lớp phủ chống loá thì càng tốt, tắt máy tính và dùng màn hình làm gương soi, hình ảnh chân dung của mình hiển thị trên màn càng khó nhìn thì chống loá càng hiệu quả. Chỉnh độ sáng của màn hình lên mức cao nhất và so sánh với nhu cầu sử dụng của bản thân. Một màn hình độ phân giải cao hơn như 2K, 4K, màn hình cảm ứng sẽ cho trải nghiệm tốt hơn nhưng dễ hỏng hơn, thay thế khó và giá linh kiện thì rất ‘chát’
-Loa: mở những bài hát ưa thích và nghe chất âm có được tái hiện một cách hoàn hảo hay không
-Mic và Webcam: thử gọi điện video qua Zalo hay Facebook với người thân hay sử dụng các phần mềm test webcam như Ecap, ghi âm giọng nói bằng Voice Recorder rồi nghe lại để đánh giá. Đừng so sánh Webcam laptop với Camera của điện thoại vì Webcam thường có độ phân giải thấp và không nét bằng, vì thế đừng thất vọng.
-Bàn phím: hãy gõ thật nhiều và đánh giá trải nghiệm gõ phím, độ nảy tốt hay không, các nút phím có dễ bị kênh hay rất chắc chắn, bố cục và diện tích phím đã hợp lý hay chưa. Lenovo là một nhà sản xuất được đánh giá là có thiết kế bàn phím tốt nhất.
-Touchpad: Đối với những tín đồ của Touchpad thì nên quan tâm đến diện tích của Touchpad là đủ dùng? Di chuyển có mượt mà, bấm nhạy? Chiếu nghỉ đặt tay có thoải mái hay quá hẹp và vướng?
-Vị trí các cổng kết nối, khe tản nhiệt: Đây là một trong những tiêu chí rất cá nhân mà mình muốn đề cập tới vì sự tiện nghi của nó. Đầu tiên là vị trí của khe tản nhiệt, có nhiều người thường có thói quen đặt máy tính lên đùi và sử dụng vì thực sự là nó tiện lợi, khe tản nhiệt nên đặt ở cạnh trái hay cạnh phải của máy thay vì ở đằng sau thì sẽ tốt hơn do khi máy hoạt động, hơi nóng phả trực tiếp vào đùi gây khó chịu. Một số người thì hay dựng đứng máy trên giường và nằm xem phim, nên lựa chọn máy có jack sạc, jack tai nghe và khe tản nhiệt ở cùng 1 bên.
-Trải nghiệm sử dụng pin thực tế: Trong quá trình dùng những tác vụ hằng ngày ở trên, hãy để ý tụt bao nhiêu % pin trong khoảng thời gian mình sử dụng để tự ước lượng khả năng hoạt động thực tế của laptop. Được trên 3h hoạt động liên tục là ổn đối với những chiếc laptop tiết kiệm điện, văn phòng.
Kết luận:
Trong quá trình lựa chọn laptop thì bạn phải đánh đổi rất nhiều thứ giữa giá tiền, thiết kế và cấu hình. Thật khó để tìm kiếm một chiếc laptop mà bạn ưng 100%. Vì thế hãy bỏ qua những tiêu chí ít cần thiết đối với bản thân và có quyết định hợp lý và tối ưu nhất.